Hết thảy chúng ta đều biết câu chuyện nổi tiếng này. Môi-se đang ở trên núi với Đức Chúa Trời, nhận lấy hai bảng luật pháp và những chỉ dẫn cho việc dựng đền tạm, nhưng khi Môi-se đi xuống núi thì ông chứng kiến cảnh dân sự đang nhảy múa thờ lạy xung quanh tượng bò con vàng mà họ đã tạo nên. Hậu quả tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên thật kinh khiếp khi cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời nổi lên cùng dân sự Ngài: hàng ngàn người Y-sơ-ra-ên chết vì gươm hay vì tai vạ, và Chúa không hiện diện với họ trên đoạn đường còn lại hướng về đất hứa.
A-rôn, người anh của Môi-se, được tạm thời nhận lấy trách nhiệm lãnh đạo trong khi Môi-se ở trên núi Si-nai. Khi Môi-se hỏi những gì đã xảy ra (c.21), A-rôn trả lời “Xin chúa tôi đừng nổi giận, chúa biết dân này chuyên làm điều ác”. Bạn có thể nhận ra tính vô trách nhiệm của A-rôn trong cách ông đáp lời với Môi-se.
Câu chuyện hôm nay đề cập đến ba yếu tố quan trọng của người lãnh đạo. Trước hết, người lãnh đạo phải trung thực. Có nghĩa rằng bạn phải có trách nhiệm, không đổ tội cho người khác, chịu trách nhiệm về những việc sai trái do sự lãnh đạo của bạn gây nên. A-rôn không chỉ chối bỏ trách nhiệm của mình là người quản lý khi con bò được chế tạo nên mà ông còn đổ lỗi cho dân Y-sơ-ra-ên, dù ông là người đưa ra ý kiến về việc thu gom những nữ trang bỏ vào lửa để làm con bò vàng (xem 32:2). Thứ hai, người lãnh đạo phải có lòng can đảm. A-rôn thay vì có một quyết định đi ngược lại với dân sự vì cớ Chúa, ông đã nhượng bộ tìm con đường dễ dàng. Thứ ba, người lãnh đạo phải hành động. Thay vì túm lấy cái sừng của con bò vàng, quăng nó đi và chỉ dẫn dân sự hành động cách đẹp lòng Chúa, thì ông lại biện minh cho sự việc là do bản tính tội lỗi của dân sự.
Thật vậy, dân Y-sơ-ra-ên là một điển hình của nhân loại. Đọc 32:1. Thử hỏi bao nhiêu người trong chúng ta có thể sẽ hành động giống như dân Y-sơ-ra-ên khi mà kế hoạch của Đức Chúa Trời dường như không tiến triển? Những lúc cảm thấy lo sợ, bối rối và lo âu, chúng ta cần những nhà lãnh đạo có năng lực để giúp chúng ta không sai lạc. Qua nhân vật A-rôn chúng ta nhận ra rằng, để là một nhà lãnh đạo tài ba chúng ta cần phải có thời gian; cần học kinh nghiệm từ những sai lầm trứơc đây, và nhờ cậy nơi sự vùa giúp của Đức Chúa Trời, Đấng dẫn dắt và ban cho bạn sự khôn ngoan, tính chân thật và lòng tin mạnh mẽ.
Sự thất bại của A-rôn là một bài học quan trọng cho những ai Đức Chúa Trời đặt để trong vị trí lãnh đạo hội thánh, nơi làm việc hay trong gia đình chúng ta. Nhưng công tác lãnh đạo không chỉ dành cho “nhà lãnh đạo”. Là những môn đệ của Đấng Christ, chúng ta được ban cho cơ hội để hướng dẫn người khác mỗi ngày – người tin Chúa cũng như người ngoại đạo – có những quyết định tôn kính Chúa. Trên hết, chúng ta có thể làm theo gương mẫu của Đấng Christ trong hành động của chúng ta và, khi làm như thế, một cách gián tiếp chúng ta khích lệ người khác hành động như vậy.
Đức Chúa Trời đã đặt bạn làm lãnh đạo ở nơi nào? Cho người hàng xóm của bạn? Tại nhà thờ? Trong gia đình bạn? Ở giữa vòng bạn bè? Nơi làm việc? Bạn có hành động cách trung thực, bước đi bằng sự can đảm và có hành động khi cần thiết không? Nếu bạn đã không thực hiện đúng vai trò trách nhiệm của bạn, hãy cầu xin Chúa giúp bạn trở thành người lãnh đạo mà Chúa muốn trong hoàn cảnh của bạn. Cầu xin Chúa giúp bạn tránh được vết xe đổ của A-rôn, và cảm tạ Chúa vì cơ hội Chúa ban cho bạn để làm những việc mới cho Ngài.
Kính lạy Chúa, xin trang bị cho con trở thành người lãnh đạo mà Ngài muốn. Xin ban cho con sự khôn ngoan khi Chúa muốn con quyết định cho chính mình và cho người khác. Xin ban cho con lòng quyết tâm khi con nhận biết đâu là đường phải đi. Xin giúp con nói cách trung thực trong mọi lúc. Con cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. Amen.
Ngài sẽ vùa giúp những ai biết đối đầu với hoàn cảnh cách đúng đắn (Plutarch).